Haruki Murakami là 1 nhà văn Nhật Bản lừng danh, nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết thuộc hàng bán chạy nhất thế giới như Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển, Biên niên ký Chim vặn dây cót… Với ý tưởng được nhen nhóm trong mười năm và thực sự viết trong hơn một năm, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ có lối văn giản dị, nhẹ nhàng, xen kẽ hài hước và cả những tự sự sẽ đưa tôi và bạn bắt gặp chính mình trong những trải nghiệm về chạy bộ của tác giả, những ngộ nhận ngây ngô, niềm hân hoan về đích cũng như cảm xúc của kẻ thua cuộc, đâu đó trong tác phẩm, bạn cũng sẽ bắt gặp được những so sánh hay ho về chạy bộ và viết văn, về chạy bộ và cách tác giả nhìn nhận cuộc đời.
Thành thật mà nói, về lý do tôi đến với cuốn sách này, một chút hơi xấu hổ, không phải vì tình yêu chạy bộ, tôi chỉ bắt đầu chạy cách đây 6 tháng và thành tích cao nhất của tôi là kết thúc một Half-Marathon ở HCMC Run 2016 trong tốp cuối. Tôi cũng chẳng đọc sách vì là fan hâm mộ của tác giả. Đây là cuốn sách đầu tiên của ông ấy mà tôi đọc, dù rằng đã biết đến ông từ khá lâu. Tôi tình cờ bắt gặp nó khi đang trong giai đoạn lười nhác tập luyện, còn HCMC Run thì đang đến. Tôi nghĩ chắc nó sẽ cho tôi vài động lực chạy bộ nào đó, dù gì ông ấy cũng là tác giả nổi tiếng với hàng tá câu trích dẫn tạo cảm hứng cơ mà. Một điều nữa là sách nằm ở quầy sale 20%. Bao nhiêu đó lý do đã đủ thuyết phục tôi giở xem thử trước khi có quyết định mua hay không.
“Đau khổ là tự nguyện. Giả dụ lúc đang chạy ta lại bắt đầu nghĩ, Trời ơi đau quá, mình không chịu đựng nổi nữa rồi. Cái phần đau là một thực tế không thể tránh khỏi, nhưng ta có chịu đựng nổi nữa hay không là tùy thuộc vào chính người chạy.”
Quyết định đã đến rất dễ dàng khi tôi đọc qua lời tựa.
Như ông bộc bạch: “Phần lớn những gì tôi biết về viết truyện là do học được từ chạy bộ mỗi ngày”, chạy bộ đối với ông như một phần hơi thở cuộc sống, chẳng ai khuyên ông nên chạy cả, cũng như chẳng ai khuyên ông hãy bỏ việc làm chủ một quán rượu ăn nên làm ra để trở thành tiểu thuyết gia. Chạy bộ và viết văn, đều là những gì ông làm vì niềm vui thích.
Xuyên suốt tác phẩm, Haruki Murakami sẽ đưa tôi và bạn đồng hành cùng ông trong một phần cuộc đời mình, từ công việc điều hành quán rượu đến quyết định kiếm sống bằng nghề viết lách, từ những ngộ nhận đầu tiên về chạy bộ cho đến cú ultra marathon 100km để đời. Bạn cũng sẽ được sống trong cảm giác chạy bộ trên những con đường tại Boston, New York, con đường nhỏ men theo sông Charles hay cung đường marathon khởi thủy Athens - làng Marathon, hành trình mà những người bạn Hy Lạp của ông mô tả là chẳng ai có đầu óc tỉnh táo lại làm vậy.
Thưởng thức tác phẩm, chắc hẳn nhiều người chạy bộ, trong đó có tôi và bạn sẽ bắt gặp lại hình ảnh của chính mình trong đó, như cái cảm giác chán nản đến giận dỗi với tất cả mọi thứ trên đường chạy, như cái giây phút hân hoan của người về đích, cái tiếc nuối của kẻ thất bại, hay như cái cảm giác thờ ơ với chạy bộ mang tên Nỗi buồn người chạy đua (Runner’s blues) – “Cũng như khi ta mất đi cái cảm giác cuồng dại ban đầu ta có khi yêu.” Đôi lần chắc hẳn bạn sẽ phải phì cười trước sự hài hước duyên dáng của tác giả, là khi ông tự trò chuyện với đôi chân của mình, thỏa hiệp với chúng để ông có thể hoàn thành đường đua, hay khi ông bảo rằng ước muốn của ông khi mất đi là bia mộ của mình sẽ được khắc lời đề tựa “Ít ra ông ấy không bao giờ cuốc bộ”.
Càng nghiền ngẫm cuốn sách, dần dà bạn sẽ hiểu được chạy bộ đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách viết văn nói riêng và cuộc đời Haruki Murakami nói chung như thế nào.
“Tôi chạy, vậy nên tôi tồn tại.”
Với ông, chạy bộ là cuộc sống ông chọn cho mình, là một phần của đời ông, là cái đã rèn đúc ông thành con người hôm nay. Không có chạy bộ, những tiểu thuyết của ông đã rất khác, “Khác thế nào? Khó mà nói được. Nhưng cái gì đó dứt khoát là đã phải khác.”
Giả như bạn là một người chạy bộ, có thể bạn chỉ mới bắt đầu, có thể bạn đã có thâm niên chạy bộ lâu năm, lời khuyên của tôi dành cho bạn rằng đây là một cuốn sách rất đáng để đọc. Bên cạnh việc dẫn bạn bắt gặp chính mình đâu đó trong cuốn sách, giúp bạn sống lại những cảm xúc mãnh liệt trên đường chạy, những trải nghiệm mà chỉ người chạy bộ mới hiểu, Haruki Murakami còn ẩn giấu trong tác phẩm nhiều lời nói khích lệ, tạo động lực chạy bộ thông qua việc tác giả tự động viên bản thân:
“Nếu tôi lấy bận bịu làm cái cớ để không chạy, tôi sẽ không bao giờ chạy lại được nữa. Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ cho một ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ.”
Còn nếu bạn không phải là một người chạy bộ, bạn chỉ tình cờ lướt ngang đây và chưa có ý niệm rằng sẽ chạy vào một ngày nào đó, đây vẫn là một cuốn sách xứng đáng cho bạn cân nhắc. Như mọi cuốn sách khác của Haruki Murakami, những câu văn của ông luôn chứa rất nhiều triết lý về cuộc đời khá sâu sắc. Có thể nó được ẩn dụ qua việc chạy bộ:
“Tôi ở một mức bình thường – hay có lẽ giống như tầm thường hơn. Nhưng vấn đề không phải ở đấy. Vấn đề là ở chỗ tôi có hoàn thiện hơn ngày hôm qua hay không. Trong cự ly chạy dài thì đối thủ duy nhất ta phải đánh bại là chính ta, chính cái cung cách cũ của ta.”
Hay có thể khá thẳng thắn như:
“Điều quan trọng nhất ta học được ở trường là cái sự thật rằng những điều quan trọng nhất là lại không học hỏi được ở trường.”
Hãy cầm lên và đọc nó, bạn sẽ bắt gặp được những triết lý hay ho, những bài học cuộc sống mà tác giả đã gửi vào sách qua lối hành văn nhẹ nhàng và độc đáo của mình.
Nếu chỉ nhìn bìa sách và tiêu đề có thể khiến bạn hình dung đến một cuốn sách viết về chạy bộ, khuyến khích chạy bộ. Nhưng Tôi nói gì khi nói về chạy bộ là một tác phẩm vượt xa những kỳ vọng đó. Mượn những câu chuyện của mình, Haruki Murakami đã lồng vào từng trang sách những lời nói tạo động lực, những câu truyền cảm hứng. Tác phẩm của ông là một trong những lý do khiến tôi đã thay đổi mục tiêu chạy của mình từ cự ly 10km lên 21km chỉ trước HCMC Run 2016 đúng một tháng, cho đến lúc đó quãng đường tôi chạy dài nhất chỉ là 10km. Cái mong muốn mãnh liệt muốn có được những trải nghiệm khi chạy đường dài như ông, để được “đau khổ là tự nguyện” đã thôi thúc tôi làm điều điên rồ đó. Thay cho lời kết, xin mượn một đoạn trong tác phẩm của ông mà tôi rất tâm đắc.
“Có ba lý do khiến tôi thất bại. Tập luyện không đủ. Tập luyện không đủ. Và tập luyện không đủ.”